Lịch sử Mạt chược Nhật Bản

Năm 1924, một người lính tên Saburo Hirayama đã đem mạt chược tới Nhật Bản.[1] Tại Tokyo, ông ta mở các câu lạc bộ mạt chược, quán mạt chược và trường học.[1] Trong những năm sau đó, trò chơi này ngày càng được biết tới nhiều hơn - và trong quá trình đó, mạt chược được đơn giản hóa so với nguyên bản tới từ Trung Hoa - sau đó lại thêm các luật chơi mới để tăng độ phức tạp của trò chơi.[2] Năm 2010, mạt chược trở thành trò chơi trên bàn phổ biến nhất tại Nhật Bản.[3] Tính đến năm 2008, có khoảng 7,6 triệu người chơi trò chơi này và 8900 quán mạt chược trên khắp nước Nhật, mang về về doanh thu khoảng 300 tỉ Yên.[4] Đã xuất hiện nhiều bộ mangaanime đan cài các tình tiết có sự xuất hiện của mạt chược, qua đó quảng bá rộng rãi trò chơi này tới công chúng.[5] Một số khu trò chơi arcade ở Nhật Bản cũng có các máy mạt chược arcade có thể kết nối với nhau qua Internet.

Tại Nhật Bản, mạt chược là một môn thể thao thi đấu chuyên nghiệp - và cũng có cho mình các tuyển thủ chuyên nghiệp, thường được gọi là Tước sĩ chuyên nghiệp (プロ雀 (ジャン)士 (し), puro janshi?), tham gia thi đấu các giải và sự kiện đặc biệt với nhau cũng như với công chúng. Có khoảng 1700 tước sĩ chuyên nghiệp đang hoạt động trong 6 tổ chức riêng biệt nhau, ví dụ như Liên đoàn Mạt chược Chuyên nghiệp Nhật Bản (日本プロ麻雀連盟) hay Hiệp hội Mạt chược Chuyên nghiệp Nhật Bản (日本プロ麻雀協会), tuy nhiên không có tổ chức nào thật sự thống nhất và có toàn quyền quản lý mạt chược chuyên nghiệp tại đất nước này, hay trên toàn thế giới. Kể từ năm 2018, có một hệ thống giải đấu của các tuyển thủ chuyên nghiệp được mời thi đấu (từ các tổ chức khác nhau) có tên là M.League,[6] tài trợ bởi Daiwa Securities Group nhằm giới thiệu mạt chược với tư cách là một môn thể thao chuyên nghiệp. Các đội tuyển chiêu mộ các tước sĩ chuyên nghiệp, trả lương định kì, có xếp hạng thường xuyên và đồng phục, từ đó nâng cao hình ảnh của mạt chược với tư cách là một môn thể thao.